Gốm sứ Dưỡng Động ngày ấy, bây giờ

Hồ Hương
 20/11/2011
Nằm ven con sông Giá, làng gốm sứ xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên trải qua bao thăng trầm, có lúc mai một. Thợ giỏi đi tứ xứ kiếm ăn. Người ở lại dù yêu tha thiết nghề truyền thống của cha ông, cũng đành phải phá bỏ những lò gốm cuối cùng để tìm kế mưu sinh bằng các nghề khác…Nhưng cũng có người quyết tâm giữ lửa nghề truyền thống với mong ước hồi sinh làng nghề.
              
Người lao động tại cơ sở sản xuất  của Huy gốm Minh Tân cần mẫn với công việc
                
Thăng trầm cùng thời gian

Được thiên  nhiên ban tặng vùng đất phù hợp, từ hàng trăm năm trước, ở làng Dưỡng Động đã phát triển nghề gốm, sứ. Gốm sứ ở Dưỡng Động không thua kém sản phẩm của các làng nghề nổi tiếng trong cả nước lúc ấy như Bát Tràng (Hà Nội), Hải Dương, Phù Lãng (Bắc Ninh). Theo một số người cao tuổi trong làng, có thời kỳ làng gốm Dưỡng Động nổi tiếng về sản phẩm bộ ấm chén da Chu, không chỉ đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước bạn. Người tiêu dùng thích đồ gốm của Dưỡng Động bởi chất đất nơi đây mang lại cho sản phẩm màu sắc tự nhiên mà không phải pha trộn bất cứ loại phẩm màu nào. Sản phẩm gốm, sứ Dưỡng Động ra lò bao giờ cũng có vẻ đẹp tự nhiên, sang trọng.

Được cha ông truyền lại cho nghề truyền thống, từng đời con, cháu trong làng nghề tiếp nối, “đánh bóng” thêm tên tuổi của gốm sứ Dưỡng Động. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, dù bom đạn chiến tranh nhưng làng nghề vẫn đỏ lửa. Những người thợ luôn tự hào về sản phẩm của làng nghề khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Trong giai đoạn này, làng nghề gốm sứ đánh dấu bước phát triển thịnh vượng của HTX Minh Khai, nơi hàng nghìn xã viên là người dân trong làng gốm ngày đêm cần mẫn sản xuất tập trung, tạo ra các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao. Sự phát triển của HTX gắn liền với tên của một xóm chuyên sống bằng nghề thủ công sản xuất gốm sứ: xóm Lò. Người dân xóm Lò ngày ấy ăn gạo sổ nên không ai được chia ruộng đất để cày, cấy. Nghề làm gốm sứ trở thành nghề sản xuất chính của họ. Bên cạnh sản xuất đồ gốm, sứ gia dụng, làng nghề ngày ấy còn sản xuất sản phẩm ống thoát nước phục vụ cho các công trình xây dựng.

Tuy nhiên, ở những năm 80 của thể kỷ trước, cùng với sự khó khăn chung của ngành nghề thủ công, làng nghề gốm sứ Dưỡng Động cũng không thoát khỏi sự trầm lắng. Sản xuất của làng nghề ngày càng thưa thớt, đồng thời gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm cùng loại. Đầu những năm 1990, ống sành thoát nước cũng dần thay thế bằng nhựa, thép nên sản phẩm của làng nghề mất thị trường…Giai đoạn xóa bỏ bao cấp, HTX  Minh Khai  không có việc làm thường xuyên, nên một số thợ có tay nghề bỏ làng đi làm cho cơ sở sản xuất của ông Hải “đồ cổ” hoặc tại các tỉnh bạn. Một số người ở lại làng cũng tìm cách mưu sinh bằng nghề khác như kinh doanh, buôn bán, thợ xây… Đến năm 1996, 1997 HTX Minh Khai chỉ còn hoạt động cầm chừng, sau đó tan rã. Nhà xưởng sản xuất cũ, nát…được địa phương trưng dụng vào những việc khác.
 
Gốm sứ mỹ nghệ tại cơ sở sản xuất của Huy gốm Minh Tân

Quyết tâm giữ lửa cho làng nghề

Trước thực trạng làng nghề có nguy cơ biến mất, khi những lò gốm cuối cùng của những người yêu nghề gốm sứ còn giữ lại cũng dần bị phá bỏ, một người con của quê hương là anh Vũ Đức Huy quyết tâm từng bước hồi sinh nghề gốm truyền thống. Anh Huy tâm sự: “Thuở nhỏ được ông bà, cha mẹ dạy nghề làm gốm, sứ, nên nghề này gắn bó  với tôi như máu thịt. Chứng kiến làng nghề mai một dần tôi cũng thấy buồn và luôn mong ước ngày nào đó có thể khôi phục làng nghề”. Để thực hiện mong ước đó, với tay nghề sẵn có, anh Huy tìm đến nhiều làng nghề gốm sứ nổi tiếng như Bát Tràng, Phù Lãng để làm, học hỏi thêm kinh nghiệm. Năm 2003, anh trở về quê hương, bắt đầu gây dựng cơ sở sản xuất gốm, sứ tại địa phương.

Với bao khó khăn trước mắt, anh Huy từng bước khắc phục để phát triển nghề trên quê hương. Thời gian đầu, anh mượn lại cơ sở vật chất của HTX Minh Khai, mua sắm đồ nghề, xây dựng lò nung gốm sứ theo phương pháp thủ công, mời những người có tay nghề, còn tâm huyết với nghề hợp tác cùng phát triển sản xuất. Anh tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên trong làng bắt tay với nghề làm gốm. Với những người thợ trẻ, anh Huy dày công chỉ bảo, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm học hỏi được trong quá trình anh làm nghề ở các làng nghề Bát Tràng, Phù Lãng.

Anh Huy cho biết, cùng với việc hồi sinh nghề gốm truyền thống trên quê hương, cần tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm của cha ông xưa và sản phẩm gốm, sứ hiện đại. Có vậy, sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay. Tại cơ sở sản xuất của anh Huy, thời gian đầu sản phẩm chủ yếu là các bộ ấm chén, vật dụng gia đình và con giống. Đặc biệt, anh Huy có biệt tài sản xuất các con giống độc đáo, sinh động. Gần đây, sản phẩm phong phú, đa dạng hơn, có thêm các sản phẩm gốm, sứ mỹ nghệ phục vụ trang trí trong các nhà hàng, khách sạn; đồ lưu niệm cho khách du lịch…Cơ sở sản xuất của anh từng bước hiện đại hóa. Nếu như thời gian đầu chủ yếu thủ công, sử dụng lò nung gốm, sứ bằng than, củi; nay được đầu tư thêm một số máy móc hỗ trợ sản xuất, xây dựng lò bằng ga để giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Cơ sở sản xuất của anh Huy hiện nay tạo việc làm cho một số lao động địa phương, trong đó có không ít người là những thợ gốm có tay nghề của HTX gốm, sứ Minh Khai xưa. Anh Huy mong muốn cơ sở sản xuất ngày càng được mở rộng, thu hút được nhiều thanh niên, những người thợ có tay nghề làm việc. Tuy nhiên, cơ sở còn đứng trước khá nhiều khó khăn như mở rộng thị trường cho sản phẩm, nguồn vốn đầu tư sản xuất còn hạn chế, mặt bằng  chật hẹp.

Nghề gốm sứ ở Dưỡng Động đang từng bước hồi sinh, nhưng để lấy lại vị thế trên thị trường, mở rộng thị phần cần có sự quan tâm hơn của các cấp chính quyền địa phương, nỗ lực của chính những người dân Dưỡng Động trong việc  khai thác tinh hoa của cha ông, đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, năng động tìm kiếm thị trường….
Hồ Hương

Các bài khác: