Chàng trai quê gốm

Dáng nhỏ gầy, rủ rỉ và mộc mạc như đất,là nhận xét chung của mọi người về Vũ Mạnh Huy - người đã, đang khôi phục nghề truyền thống của quê hương - gốm Dưỡng Động (Minh Tân, Thủy Nguyên). Nhưng sau vẻ mộc mạc, lành lẽ đó, là nghị lực, là đam mê và tình yêu quê hương sâu sắc.

 Nghệ nhân Vũ MạnhHuy

Quyết tâm giữ lửa làng nghề

Xưởng gốm trên mặt bằng gần 200 m2, nằm giữa xóm Lò tĩnh lặng của nghệ nhân trẻ Vũ Mạnh Huy hiện là nơi gặp gỡ của nhiều du khách mê gốm. Điềm đạm, nhẹ nhàng trong từng lời nói, cử chỉ, chủ nhân của lò gốm sẵn sàng  dành thời gian, say sưa giảng giải cho khách đến thăm về nghệ thuật gốm Dưỡng Động quê mình. Tình yêu với gốm, với truyền thống làng nghề quê hương luôn bừng sáng trong anh. Vũ Mạnh Huy kể lại, gia đình anh vốn có truyền thống làm nghề gốm và anh yêu nghề gốm từ nhỏ. Khi còn học tiểu học và THCS, anh đã tập làm gốm. Khi một tác phẩm hoàn thành, anh được bố mẹ thưởng bằng những đôi giày hoặc quần áo. Lúc đó chưa nghĩ đến việc sẽ theo nghề đâu. Nhưng nhờ thế, tình yêu nghề cứ ngấm dần và lớn theo ngày tháng. Thế nhưng, khi đôi bàn tay thành thạo nhào đất, tạo hình cũng là lúc những lò gốm cuối cùng của làng dần bị phá bỏ, nhiều thợ gốm phải bỏ nghề truyền thống đi tìm việc khác.

Với quyết tâm hồi sinh làng nghề, học xong THPT, anh Huy vào nội thành làm việc tại xưởng sản xuất gốm ở chân cầu Niệm để học cách tạo hình các sản phẩm, có thể áp dụng cho sản phẩm gốm quê hương. Hai năm sau, anh Huy bắt đầu hành trình “tầm sư học đạo”. Hơn 17 năm, nơi nào có sản phẩm gốm nổi tiếng là anh Huy đến, học hỏi kinh nghiệm. Và nơi anh dừng chân lâu nhất là làng gốm Bát Tràng (Hà Nội). Tại đây, anh đã tạo dựng cho mình "cơ ngơi" riêng với một lò gốm và những khách hàng quen. Nhưng trăn trở muốn khôi phục làng nghề thôi thúc, anh Huy quyết định rời bỏ sự nghiệp đang thuận lợi ở Bát Tràng về quê hương xây dựng lò gốm. Thời gian này, để bảo đảm thành công, anh vừa xây dựng lò gốm ở quê hương Minh Tân vừa duy trì lò gốm ở Bát Tràng. Năm 2005, khi lò gốm ở địa phương đi vào hoạt động ổn định và đã có thị trường, anh chuyển lò gốm ở Bát Tràng về Minh Tân. Lúc mới chuyển về địa phương, anh Huy mượn lại cơ sở vật chất của HTX Minh Khai, mua sắm đồ nghề, xây dựng lò nung gốm sứ theo phương pháp thủ công, mời những người có tay nghề, còn tâm huyết với nghề hợp tác cùng phát triển sản xuất. Rồi dần dần anh xây dựng hệ thống nhà xưởng của riêng mình. Từ chỗ làm thủ công, sử dụng lò nung gốm bằng than, củi..., dần dần, một số công đoạn được thay thế, hỗ trợ bằng máy móc như máy nghiền đất, nghiền men, nghiền màu hay bàn tiện máy... Hiện, tuy mô hình sản xuất chưa thật sự đồ sộ nhưng với hơn 10 người thợ lành nghề, cách phân công công việc, bố trí lịch trình sản xuất hợp lý nên xưởng gốm nhỏ này đạt hiệu suất kinh doanh khá tốt, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Mặt hàng chính của xưởng hiện nay chủ yếu là những sản phẩm gốm cổ truyền phục vụ nhu cầu chơi sinh vật cảnh, đồ thờ cúng và trang trí nội thất, cung cấp cho thị trường Hải Phòng và các tỉnh lân cận.

Tạo nét riêng cho gốm Dưỡng Động  

“Điều tôi vui nhất là đang có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi làng gốm quay về với nghề truyền thống, gốm Dưỡng Động được nhiều người biết tên. Tuy nhiên, tôi vẫn trăn trở việc phải làm thế nào để sản phẩm gốm Dưỡng Động có nét đặc trưng riêng và đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm gốm khác”- anh Huy tâm sự. Bởi vậy, anh Huy luôn tìm tòi, tạo ra các sản phẩm mới. Từ chỗ sản xuất đồ gốm dân dụng, anh sản xuất thêm các sản phẩm tượng gốm để trưng bày trong gia đình, sinh vật cảnh, tranh gốm nghệ thuật. Sắp tới, anh có hướng chuyên sản xuất tượng phật và những sản phẩm hướng đến văn hóa tâm linh. Bởi theo anh, khi tạo những sản phẩm đó, hướng con người đến chân, thiện mỹ. Đặc biệt, những sản phẩm này sẽ được nâng niu, trân trọng trưng bày ở những nơi tôn nghiêm. Anh Huy mong muốn cơ sở sản xuất ngày càng được mở rộng để nhiều thanh niên quê hương Minh Tân có việc làm, nhiều lò gốm ở Minh Tân lại đỏ lửa. Hiện, cơ sở còn đứng trước khá nhiều khó khăn như mở rộng thị trường cho sản phẩm, nguồn vốn đầu tư sản xuất còn hạn chế, mặt bằng chật hẹp...

Người dân Minh Tân nhắc tới anh Huy là tấm gương của nghị lực, tình yêu quê hương, khát khao khôi phục nghề truyền thống. Cũng vì thế, không ít người mong muốn chính quyền địa phương các cấp và ngành chức năng tạo điều kiện, quan tâm để ước mơ khôi phục làng nghề thành hiện thực.

 (Bài đăng trên báo Hải Phòng 16/02/2012)

Các bài khác:
Bát tiên quá hải - Phù điêu gốm

Tam thánh - Phù điêu gốm men xanh ngọc



Phù điêu gốm - Hoa sen 1

Phù điêu gốm - Hoa sen 2

 Phù điêu gốm - Hoa sen

Chiến thắng Bạch đằng - Phù điêu gốm