Hà Giang
Các bài khác:
Những bình trà, phù điêu, tượng tháp...ánh lên màu đậm đỏ
phù sa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó là sản phẩm của làng gốm Dưỡng
Động nổi tiếng một thời, đang được nhiều người tìm chọn, vậy mà có lúc phải núp
dưới thương hiệu khác...
Anh Đỗ Văn Long bên lò gốm
Làng gốm Dưỡng Động nằm ven sông Giá (xã Minh Tân,
huyện Thủy Nguyên) một thời gian dài không giữ được nghề. Một thời gốm Dưỡng
Động, Minh Tân nổi tiếng khắp vùng. Các sản phẩm gốm do nghệ nhân làng Dưỡng
Động chế tác không thua kém bất kỳ sản phẩm gốm nổi danh nào khác. Nếu như gốm
Phù Lãng và Bát Tràng độc đáo ở chất men, thì người Dưỡng Động tự hào bởi bí quyết
tạo sự hòa quyện của đất và lửa, làm ra loại gốm da chu với sắc màu tự nhiên.
Gốm nung vừa lửa, đủ tạo độ rắn chắc, vững chãi cho sản phẩm và làm tươi ròn
cái màu nâu đỏ của loại đất sét nặng có độ sắt cao, chỉ vùng đất này mới có.
Trong hoài niệm của người dân làng gốm, từ đời này qua đời
khác, nghề gốm gắn bó sâu nặng với cuộc sống nơi đây, làm nên sự phồn thịnh của
một làng nghề. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gian nan là vậy, làng vẫn giữ
được nghề. Khi HTX Minh Khai ra đời, quy mô sản xuất của làng nghề liên tục được
mở rộng, có lúc tới 1000 xã viên với hàng chục lò nung luôn đỏ lửa. Thời huy
hoàng đó góp phần tạo dựng cho làng một cái tên mới, tuy dân giã nhưng rất gần
gũi: Xóm Lò. Song cuối những năm 80 của thế kỷ trước, từ một làng nghề trù phú,
Minh Tân chỉ còn vài ba lò gốm đỏ lửa lay lắt qua ngày, sản phẩm làm ra không
tiêu thụ được. Những nồi đất, ấm nung, vòi nước...trở nên lạc hậu, khi trên thị
trường xuất hiện nhiều sản phẩm cùng chức năng với mẫu mã, nguyên liệu đa dạng.
Cái tên “Xóm Lò” một thời vang danh còn đó, nhưng sản phẩm làng nghề cứ mai một
dần.
Không sống được bằng nghề gốm, người dân trong làng chuyển
sang làm nghề khác để mưu sinh. Gốm Dưỡng Động bị lãng quên khi HTX Minh Khai
giải thể.
Với niềm say mê và ý chí gìn giữ nghề truyền thống, 2 người
con của làng nghề gốm Dưỡng Động: Vũ Văn Huy và Đỗ Đức Long miệt mài ngày đêm
làm giàu bí quyết bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa khọc kỹ thuật, để hôm nay mẻ
gốm đầu tiên sau bao năm “lặng tiếng” đã ra lò.
Với suy nghĩ làm thất nghề truyền thống là mang tội với cha
ông và có lỗi với thế hệ mai sau, anh Vũ Văn Huy và anh Đỗ Văn Long nung nấu ý
tưởng rồi sẽ có lúc nghề gốm Dưỡng Động hồi sinh. Năm 2003, hai anh trở về quê hương
sau nhiều năm lăn lộn ở những làng gốm nổi danh như: Bát Tràng (Hà Nội), Phù
Lãng (Bắc Ninh)...học hỏi, tiếp cận với công nghệ mới, kinh nghiệm thiết kế mẫu
mã, tiếp cận thị trường. Lửa lò gốm nhen nhóm trở lại, nhưng sản phẩm làm ra
chưa thể mang danh làng nghề thuở nào khi tiêu thụ ở thị trường khó tính. Lấy
ngắn nuôi dài, anh Huy đành huy động những mối hàng quen biết để sản phẩm mình
làm ra nương nhờ thương hiệu khác tìm lại người tiêu dùng. Năm 2005, được sự
giúp đỡ của chính quyền và động viên của bà con, các anh lập đề án xây dựng HTX
Gốm Dưỡng Động và bắt tay vào việc huy động vốn, đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa
khọc kỹ thuật. Sản phẩm gốm Dưỡng Động bây giờ giàu chất nghệ thuật được người
tiêu dùng sành điệu sử dụng trang trí nội thất như tranh, tượng phù điêu...
Anh Long tâm sự: “Mình vẫn còn nhớ như in cảm giác hân hoan,
vui sướng ngắm nhìn không chán sản phẩm mới ra lò, những bình trà, phù điêu,
tượng tháp...ánh màu đậm đỏ độc đáo”. Và trong suy nghĩ của các anh lấp lánh niềm
tin vào một tương lai tươi sáng, triển vọng phát triển uy tín thương hiệu gốm
Dưỡng Động. Các anh đã tích cực phối hợp cùng Sở Khoa học- Công nghệ Hải Phòng
thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng, tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm và hạ
giá thành. Quy mô dự án lên tới 5,7 tỷ đồng và được triển khai trên diện tích
6000m2 với khu vực lò xưởng, địa điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Vạn sự
khởi đầu nan, với tâm huyết của những người luôn đau đáu ý chí phát triển làng
nghề truyền thống trong thời kỳ ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, gốm Dưỡng
Động sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đáp ứng yêu cầu của những người
tiêu dùng kỹ tính.
Các bài khác: