Nghề gốm Việt Nam cần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống

Bài tham luận của:
TS. Phạm Quốc Quân
Giám đốc Bảo tàng Cách mạng VN
Ths. Phạm Thúy Hợp

Phó trưởng phòng QLBT Cục Di sản văn hóa

1. Nhà gốm sử học Joh Guy và Joh Stevenson trong tác phẩm nổi tiếng gốm Việt Nam- một truyền thống riêng biệt đã nói rằng, gốm Việt Nam có lịch sử lâu đời và phát triển theo một truyền thống riêng, khác biệt với mọi cường quốc gốm sứ khác, kể cả với Trung Quốc láng giềng, luôn được thế giới mệnh danh là một siêu cường về gốm sứ. Nghiên cứu gốm Việt Nam trong triều lịch đại cũng như đồng đại, chúng ta đều thấy sự riêng biệt trong các khâu về làm đất, tạo hình, vẽ hoa văn và nung, mà có thể thấy dòng gốm men hoa nâu được coi là đặc trưng nhất, không thể trộn lẫn với bất cứ dòng gốm nào của mọi thời đại ở hầu hết các quốc gia.
Sự riêng biệt của gốm Việt Nam được nhận ra qua các trung tâm sản xuất khác nhau và ở ngay tại một trung tâm trong diễn trình phát triển mà tính thời đại của nó đã quy định. Sự riêng biệt ấy còn thể hiện ở những vùng, miền mà giờ đây, cho dù chưa có đủ tư liệu trong tay cũng nhận ra sự khác biệt giữa gốm Miền Bắc, gốm Miền Trung và gốm Miền Nam, theo đó, ở mỗi vùng miền ấy cũng có những truyền thống phát triển riêng. Sự khác biệt mang tính thời đại và vùng miền đã tạo nên một bức tranh gốm sứ Việt Nam đa sắc. Đó cũng là một ưu thế, cho sự phát triển và phát huy nghề gốm Việt Nam.
Ngoài bản sắc riêng, nghề gốm Việt Nam cũng có một truyền thống lâu đời. Ở Miền Bắc, nghề thủ công làm gốm có từ thời Phùng Nguyên, mà chúng tôi cho rằng, lịch sử 4000 năm gốm Miền Bắc đã trải qua ba chặng mốc, với những bước chuyển mình khá quan trọng, đó là bước chuyển từ gốm thô thời Đông Sơn sang bán sứ thời Bắc Thuộc với bước nhảy vọt về công nghệ, quy mô sản xuất, mẫu mã, chất liệu cũng như tổ chức sản xuất cùng phân phối lưu thông. Bước chuyển mình thứ hai, sau thế kỷ 10, với sự phục hưng của văn minh Đại Việt, đã tạo nên những dòng gốm men cơ bản và đặc trưng, bắt đầu từ thời Lý để rồi, trên dòng chảy của lịch sử phát triển có lúc chồi, lúc sụt, vẫn bao gồm gần như nguyên vẹn những giá trị khởi đầu cho đến tận hôm nay. Ngoài gốm men, đồ đất nung, đồ sành cùng phát triển với nhiều trung tâm mang tính đặc thù, đã tạo nên một cây cổ thụ gốm Việt với nhiều cành nhánh xum xuê, tỏa bóng. Trên cây cổ thụ ấy, có những cành vươn cao, vươn xa, cũng có cành cộc, do thui chột, nhưng vẫn sừng sững là một cây đại thụ của gốm sứ thế giới. Bước chuyển thứ ba, vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, khi mà nhà Minh (Trung Quốc) bế quan “Thốn bản bất hạ hải”(một tấc gỗ cùng không được xuất), đã tạo nên một sự phát triển rực rỡ của gốm sứ Đại Việt, khiến cho sản phẩm gốm sứ thời này tham gia tích cực vào con đường tơ lụa trên biển. Sản phẩm có mặt ở hầu hết các quốc gia, sang tận thế giới Hồi giáo.
Gốm sứ Miền Trung bắt nguồn từ văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh, có niên đại tương đồng với văn hóa Đông Sơn Miền Bắc. Gốm đất nung Sa Huỳnh có kiểu dáng phong phú với nhiều loại hình đẹp, hoa văn giàu biểu cảm của văn hóa Duyên Hải. Tuy nhiên, diễn trình phát triển gốm Miền Trung dường như không giống gốm Miền Bắc, mà thăng trầm theo đồ thị hình sin, để rồi có một tượng đài Gò Sành, sản phẩm của cư dân Chămpa, vừa phát triển gốm men và đất nung, với sự hòa trộn của kỹ thuật và chất liệu bản địa với gốm sứ vùng Nam Trung Hoa, thế kỷ 15. Sự lóe sáng rồi vụt tắt của trung tâm Gò Sành, tạo nên một sự phát triển nội sinh, theo xu hướng sành không men, mà những trung tâm như Phước Tích (Thừa Thiên Huế) và Thanh Hà (Hội An) là một điển hình. Hóa Thạch, Bầu Trúc hiện còn của dân tộc Chăm, như là một sự trở lại với truyền thống của hàng nghìn năm trước trong chất liệu, kỹ thuật tạo hình, nung ngoài trời, ở nhiệt độ thấp, không men.
Gốm Miền Nam khởi nguồn từ Óc Eo, nhưng dường như không nhìn thấy ở đây một sơ đồ phát triển rõ ràng như Miền Bắc và lúc mờ lúc tỏ như ở Miền Trung. Phải chăng, con đường phát triển gốm sứ Miền Nam không hướng tới thị trường xuất khẩu, theo đó, người bản địa sử dụng chủ yếu các vật dụng bằng tre, gỗ… khá nhiều ở miền nhiệt đới, xen vào là những trung tâm sản xuất gốm không men ít ỏi, hay đó là vùng đất mới, chậm giao thương với thế giới dưới thể chế của những quốc gia phong kiến Đại Việt, Chămpa? Cho tới thế kỷ 19, người Hoa đem kỹ thuật sản xuất gốm vào vùng đất mới, đã tạo nên dòng gốm Cây Mai, Lái Thiêu, để đến hôm nay, hai trung tâm gốm Biên Hòa và Thủ Dầu Một phát triển dựa trên cơ tầng truyền thống với sự kết hợp hai yếu tố nội và ngoại sinh, để trở thành những trung tâm nổi tiếng, có vị trí xứng đáng trong làng gốm Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương, Đồng Nai.

2. Điểm qua truyền thống và tính riêng biệt của gốm Việt Nam để thấy được sức mạnh và sức cạnh tranh của gốm sứ ta trên thị trường quốc tế là có cơ sở. Vấn đề là chúng ta phát huy truyền thống ấy như thế nào để phát triển ngành thủ công này một cách có hiệu quả.
Truyền thống của Việt Nam là sản xuất gốm. Đó là gốm không men và có men. Đương nhiên gốm không men, giá trị hàng hóa thương phẩm không cao, chủ yếu dựa vào sản xuất những đồ lưu niệm hoặc gốm kiến trúc phục vụ nhu cầu trong nước. Thế nhưng, khi bước vào kinh tế thị trường, một số trung tâm sản xuất như Hương Canh, Phù Lãng đã tắt lửa, do hàng hóa không đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến hôm nay, một vài lò ở đây đã đỏ lửa, nhưng hàng hóa sản xuất chủ yếu vẫn là đồ mỹ nghệ, do thiếu những mẫu mã, thiếu tầm nhìn, thiếu tổ chức để đáp ứng nhu cầu thị trường một cách rộng rãi hơn. Phù Lãng, với nhiều nhân tố mới, được đào tạo, đã làm sống dậy làng gốm nơi đây, bằng kỹ thuật, mẫu mà, sản phẩm…. mang tính truyền thống và cách tân. Tuy nhiên, nếu Phù Lãng vẫn tiếp tục phát triển theo hướng na ná nhau về phong cách, mẫu mã, hoa văn… giữa các lò, chắc chắn sẽ không tạo được một sự phát triển bền vững.
Bát Tràng vốn có truyền thống sử dụng xương gốm là đất sét, ít cao lanh, đã tạo nên một thương hiệu, một trung tâm có tầm ảnh hưởng lớn ở đồng bằng Bắc Bộ và hàng hóa đã một thời vươn xa ra ngoài biên giới quốc gia. Đó cũng là trung tâm sản xuất gốm cho cung đình với những lò quan ở đầu thế kỷ 19, khiến cho Bát Tràng trở thành một thương hiệu Việt Nam đáng trân trọng. Thế nhưng, hiện nay, Bát Tràng đang vươn tới chế tạo đồ sứ hay chí ít là muốn chối bỏ phần nào xương gốm truyền thống, khiến cho sức cạnh tranh giảm, do không tạo nên dược một ngôn ngữ riêng. bài học lịch sử này, đã thấy ở thời Lê Sơ, khi ông cha ta muốn làm đồ sứ trắng, hoa văn in, thấu quang, tưởng như có thể cạnh tranh được với sứ Trung Hoa đương thời, nhưng thử nghiệm ấy chỉ lóe lên ở đầu thế kỷ 15, với một số sản phẩm ít ỏi, mà theo chúng tôi, chủ yếu là gốm phục vụ cung đình và xuất khẩu, rồi vụt tắt, để sau đó, quay về với truyền thống gốm men phát triển đến hôm nay.
Gốm Lái Thiêu, cố học giả Nguyễn Văn Y gọi là đồ sành xốp (Fayence), theo đó, cả một thời kỳ Miền Nam giải phóng, Đồng Nai, Biên Hòa phát triển theo hướng này.Giờ đây, với nhu cầu của thị trường, những lò gốm đã đa dạng mẫu mã, chủng loại hơn với nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Tuy nhiên, nếu như gốm Biên Hòa, Thủ Dầu Một không tiếp thu truyền thống, không phát triển và cách tân, đổi mới, chắc chắn sẽ không phát triển được như hôm nay. Đó phải chăng như một báo dẫn cho định hướng phát triển một cách hài hòa, không quá nóng vội để thiêu đốt cả trăm năm di sản để lại của cha ông.
Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống còn thể hiện ở sự bảo tồn và phát huy làng nghề làm gốm. Cảnh Đức Trấn là một làng nghề và làng nghề ở đây đã được bảo tàng hóa, khiến cho thương hiệu cả nghìn năm của nó được tôn vinh. Khu vực bảo tàng hóa của Cảnh Đức Trấn dường như còn giữ nguyên, và khu vực sản xuất công nghiệp, quy mô được chuyển tới một nơi khác xa trung tâm để tránh ô nhiễm. Thế nhưng, hiện nay ở Việt Nam, khu vực làng nghề của các trung tâm sản xuất gốm không được bảo tồn. Bát Tràng đang bị đô thị hóa mà không tìm đâu ra một khu Bát Tràng để du khách hiểu được những vấn đề vô cùng hấp dẫn của làng nghề này. Thủ Dầu Một, Biên Hòa phát triển theo hướng khu công nghiệp mà lẽ ra, trong quy hoạch, phải có một bảo tàng, một khu lò gốm cổ, một nơi sản xuất mang tính lưu niệm… mà ở Cảnh Đức Trấn, chúng tôi đã thấy vô cùng hiệu quả. Những chủ nhân của Cảnh Đức Trấn bảo rằng, đó là việc làm đầu tiên khi Trung Quốc mở cửa và hội nhập. Trong khi ấy, Chu Đậu, không hướng tới điều này đầu tiên, mà sừng sững một nhà máy sản xuất gốm giả cổ, phải chăng là một hướng đi thiếu tính bền vững và ít lưu tâm tới giá trị truyền thống.
Những làng gốm nhỏ như Phù Lãng, Hương Canh, Thổ Hà đang phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu định hướng, ít lưu ý tới giá trị truyền thống, được coi là một trong những tài sản vô cùng lớn lao của các làng gốm ấy, đã không được đặt ra như một bí quyết của sự phát triển, chắc chắn sẽ giống như Bát Tràng hôm nay.

3. Giá trị truyền thống của các làng nghề, của các ngành nghề thủ công nói chung và các làng và nghề gốm Việt Nam nói riêng, còn vô cùng nhiều, chứa đựng ở di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhưng dường như tất cả chưa được đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống, theo đó nhận diện những giá trị gì cần được đổi mới, cách tân phù hợp với xu thế mở cửa và hội nhập, giá trị gì đã lỗi thời, cần được đào thải. Đó là trách nhiệm của những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng, các nhà nghiên cứu, qua những nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước trung ương và địa phương, của các tổ chức quốc tế… Tuy nhiên, chủ thể, mà trong đó, chủ yếu là cộng đồng làng nghề, cần phải nhận nhìn vấn đề này một cách chủ động hơn, theo tư duy xã hội hóa, chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn và có tính tích cực hơn, nhằm phát huy thương hiệu của làng nghề thủ công, mà những sản phẩm của những làng nghề ấy ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế đất nước.
Gốm Việt Nam là một trong những ngành nghề có thế mạnh, có ưu thế phát triển trong hiện tại, cũng như trong lai. Vấn đề là, tất cả chúng ta, hãy chung tay góp sức để nghề gốm Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.


Các bài khác: