Hai chàng trai vực dậy làng gốm cổ


Hoàng Diệp
16/05/2008

Ngày ra đi tìm “lối thoát” cho sản phẩm gốm làng Dưỡng Động, xã Minh Tân (Thuỷ Nguyên - Hải Phòng), Vũ Mạnh Huy và Đỗ Văn Long đã hứa với nhau: “Kẻ vào Nam, người ngoài Bắc, khi nào học được nghề mới về làng để phục hồi nghề xưa”. Lúc đó, cả hai mới 19 tuổi và chẳng ai trong làng tin “bọn trẻ” sẽ thành công. Vậy mà, sau gần 10 năm học nghề nơi đất khách, họ đã trở về, làm “rạng danh” nghề tổ...

Làng Dưỡng Động lâu nay nổi tiếng với nghề gốm sứ mỹ nghệ. Nhìn trên cao, dải đất dài 7km nằm giữa sông Bạch Đằng và sông Giá có hình dáng như con rồng vươn mình ra biển…
Chuyện xưa…
Chúng tôi về Dưỡng Động vào một buổi chiều đầu tháng Năm. Con đường dẫn vào cơ sở sản xuất gốm của Vũ Mạnh Huy và Đỗ Văn Long bụi bay mịt mù với hàng chục chiếc xe chở gốm tấp nập vào ra. Cơ sở sản xuất nằm ngay đầu xóm Chùa. Bên trong, hai “ông chủ” như già hơn với khuôn mặt sạm nắng, đang kiểm tra từng lô gốm vừa mới ra lò.
“Chủ” mời “khách” vào nhà. Bên chén trà thơm, hai chàng trai bắt đầu câu chuyện chỉ xoay quanh đề tài gốm. Anh Huy bảo: “Đất Minh Tân vẫn lưu giữ được nhiều di sản văn hoá từ giai đoạn Phùng Nguyên. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở mảnh đất trù phú này nhiều cổ vật quý, là minh chứng cho một thời kỳ thịnh vượng của làng gốm cổ. Từ ngàn xưa, nghề gốm đã nuôi lớn biết bao thế hệ làng Dưỡng Động…”.
Cách đây 200 năm, gốm Dưỡng Động - Minh Tân nổi tiếng khắp vùng. Các sản phẩm gốm do nghệ nhân làng Dưỡng Động chế tác đạt đến độ tinh xảo, chất lượng không thua kém bất cứ sản phẩm gốm nào. Trong Kháng chiến chống Pháp, dù trải qua bao gian khó nhưng kỹ nghệ làm gốm ở Dưỡng Động vẫn phát triển không ngừng. Trong đó, sản phẩm sứ mỹ nghệ cách điện tráng men có thể coi là bước tiến quan trọng của làng… Những năm loạn lạc đi qua, làng gốm Minh Tân như được tiếp thêm “lửa”. Hợp tác xã Minh Khai ra đời, liên tục được mở rộng quy mô sản xuất. Có lúc, HTX có tới hơn 1.000 xã viên với hàng chục lò nung ngày đêm đỏ lửa…
Thế nhưng, gốm Dưỡng Động bị “mắc cạn” từ cuối những năm 1980, khi nước ta chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường. Sản phẩm gốm Minh Tân trở nên “lạc hậu”, không thể bắt kịp về chất lượng và mẫu mã so với sản phẩm cùng loại của các làng gốm khác. Nhiều người trong làng vẫn còn “nguyên vẹn” nỗi buồn khi nghĩ lại những ngày, hàng trăm mẻ gốm ra lò mà không thể tiêu thụ được. Không sống được với nghề, dân làng lần lượt bỏ lò, kiếm nghề mới để sinh nhai. Gốm Dưỡng Động dần bị lãng quên khi Hợp tác xã Minh Khai giải thể. Cuối cùng, cả làng chỉ còn một số nghệ nhân lớn tuổi vì tiếc nuối nghề xưa nên duy trì lò gốm “gia đình” để thoả mãn thú chơi tao nhã…
Thương hiệu gốm Dưỡng Động
Lớn lên, Long và Huy tận mắt thấy cảnh xóm giềng đập bỏ lò gốm mà lòng không khỏi đau xót. Cả hai đều có chung chí hướng: phải tìm cách phục hồi làng gốm xưa. Thế là, họ quyết tâm ra đi tìm lối thoát cho nghề gốm.

Cha của Huy vốn là nghệ nhân gốm có tiếng ở Minh Tân. Ông là người duy nhất có thể đúc được khuôn tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt. “Chứng kiến bố tôi hằng đêm thức trắng mong tìm hướng đi mới để “cứu” nghề, tôi không khỏi nghĩ suy. Hình ảnh của cha trở thành động lực mạnh mẽ, thôi thúc tôi phải làm điều gì đó. Tôi quyết chí ra đi. Bao lần gặp khó khăn, tôi nản lòng định bỏ cuộc. Thế rồi nghĩ về ánh mắt chan chứa hy vọng của cha khi tôi lên đường, tôi lại dằn lòng, bước tiếp…”, Huy tâm sự. Rời quê hương chỉ với lòng quyết tâm, Huy lang bạt khắp các lò gốm ở miền Bắc như Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc) … để học hỏi.
Còn Long, sau khi chia tay người bạn thân, anh vào Bình Dương - nơi nghề gốm phát triển bậc nhất ở nước ta để “tầm sư học đạo”. Sống xa quê hương, nỗi nhớ gia đình, người thân và những khổ đau, va vấp không ít lần khiến anh định bỏ cuộc. Những lúc đó, anh nghĩ đến lời thề với bạn và càng cố gắng hơn. Huy đã học được nhiều thứ nơi đất khách quê người, trong đó, điều anh tâm huyết nhất là công nghệ làm gốm hiện đại.
Năm 2003, hai chàng trai trẻ trở về quê hương. Với kinh nghiệm đã học và số tiền chắt chiu được, họ bắt tay thực hiện ước mơ, lập tức cho ra lò hàng loạt sản phẩm gốm với kiểu dáng và kích thước khác nhau. Trong đó, cả hai “nhấn” vào mặt hàng gốm da chu với nước men đặc trưng từ đất sét nặng. Màu men tươi sáng của dòng gốm này trở thành thế mạnh của gốm Minh Tân. Để khắc phục những khuyết thiếu của sản phẩm gốm trước đây, phát huy thế mạnh của chất đất hiện tại, hai chàng trai còn cho ra đời các sản phẩm như tranh gốm, tượng, phù điêu, cùng một số sản phẩm như đồ thờ, con giống…
Đường đến thành công quả không ít gian nan. Những ngày đầu, để tiêu thụ được sản phẩm, Huy và Long phải chấp nhận để “đứa con tinh thần” của mình đến với khách hàng bằng những thương hiệu khác. Thực trạng ấy khiến hai chàng trai đau khổ. Họ lại đau đầu tìm cách để sản phẩm của mình “sống” được bằng “tên khai sinh”.
Cuối năm 2005, Huy và Long lập dự án, trình Phòng Công nghiệp huyện Thuỷ Nguyên thành lập Hợp tác xã gốm Dưỡng Động. Ngày 29/8/2006, HTX chính thức ra đời. Từ khi có “ngôi nhà” mới, Huy và Long dành nhiều tâm huyết hơn cho những “đứa con tinh thần”. Sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng. Những mẻ gốm ra lò không còn phải “khai sinh” bằng tên khác mà “đường đường chính chính” xâm nhập thị trường bằng cái tên của chính mình.
Không chỉ thực hiện được ước mơ của mình, Huy và Long còn giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống và muốn quay lại nghề xưa. Hiện, HTX tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập ổn định, bà con càng quyết tâm sống với nghề.
Chúng tôi chia tay Huy và Long khi trời đã xế chiều. Con đường dẫn vào HTX vẫn mù mịt bụi với những chuyến xe tấp nập “ăn” hàng. Hai chàng trai trẻ vẫy tay tạm biệt, ánh mắt đầy tự tin. Chúng tôi hiểu, cơ ngơi của họ sẽ còn mang “tầm vóc” khác, đàng hoàng, hiện đại hơn…